PR là gì? Vì sao ngành PR hot đến thế?

Hình ảnh thương hiệu được khách hàng yêu thích, ghi nhớ và công nhận là điều mà mọi doanh nghiệp luôn muốn hướng tới. Để làm được việc này, hoạt động PR ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư. Nếu bạn chưa hiểu rõ PR là gì và vì sao lại trở thành một ngành nghề hot hiện nay thì hãy cùng theo dõi bài viết sau nhé.

PR là gì? Vì sao lại trở thành ngành hot hiện nay?

PR là từ viết tắt của Public Relations, hay còn được gọi với cái tên quen thuộc là Quan hệ công chúng. PR đề cập đến việc truyền thông chiến lược từ một tổ chức, doanh nghiệp nhắm đến công chúng nhằm xây dựng và duy trì hình ảnh thương hiệu của mình hoặc truyền bá thông tin đến giới truyền thông.

Với tốc độ hội nhập quốc tế và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hiện nay, việc tăng khả năng hiển thị và “giữ lửa” cho thương hiệu trong lòng khách hàng tiềm năng là một việc không dễ dàng. Khi công chúng không còn dễ khuất phục trước những lời nói hoa mỹ hay sự hứa hẹn, các công ty phải có những chiến lược giao tiếp hiệu quả giúp tạo nên các mối quan hệ có lợi giữa thương hiệu và công chúng từ đó giúp tăng doanh thu, mở rộng thị trường.

Công việc của một nhân viên PR là gì?

Một chuyên gia quan hệ công chúng có nhiệm vụ chịu trách nhiệm tạo dựng và thực hiện chiến lược PR, giúp doanh nghiệp hoặc một cá nhân sở hữu hình ảnh tích cực với công chúng thông qua nhiều hình thức khác nhau như mạng xã hội, báo chí, truyền thông xã hội, tương tác trực tiếp… Cụ thể là những công việc sau:

  • Lập kế hoạch và chiến lược PR
  • Nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp thông qua mạng xã hội và trực tiếp.
  • Liên hệ với các phương tiện truyền thông để giải đáp thắc mắc, cung cấp và làm rõ thông tin.
  • Viết thông cáo báo chí, bài phát biểu, các bài PR…
  • Chuẩn bị các bài thuyết trình, diễn thuyết ở họp báo, buổi meeting
  • Tổ chức và giám sát các sự kiện của công ty như hội chợ, khai trương, hội thảo, hội nghị…
  • Đề xuất các giải pháp xử lý khủng hoảng, sự cố khi cần, giải quyết tranh chấp nội bộ và bên ngoài.
  • Nghiên cứu và phân tích dư luận
  • Xây dựng và duy trì mối quan hệ với cơ quan truyền thông, đồng thời nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với các phóng viên, nhà báo chính.
  • Theo dõi và phân tích hiệu quả của các chiến dịch PR và báo cáo chi tiết cho cấp quản lý.

Các tố chất để trở thành một chuyên viên PR chuyên nghiệp

Kỹ năng giao tiếp, năng động và hướng ngoại

Một trong những nhiệm vụ chính của một chuyên viên PR đó là thay mặt doanh nghiệp của mình duy trì mối quan hệ tích cực, có lợi với giới truyền thông, báo chí. Để làm tốt điều này, các chuyên viên PR thường được yêu cầu có kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội tốt. Bên cạnh đó, tính cách năng động và hướng ngoại giúp cho chuyên viên PR có thể mở rộng các mối quan hệ ở nhiều lĩnh vực khác nhau và cập nhật các xu hướng mới một cách nhanh nhất.

Kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc

Các chuyên viên quan hệ công chúng thường phải dẫn dắt các chiến dịch và sự kiện, vì vậy sẽ rất hữu ích nếu họ là người nắm vững kỹ năng tổ chức. Kỹ năng này sẽ giúp chuyên viên PR biết cách lập kế hoạch, phân chia công việc, cân bằng và giám sát đội nhóm của mình để tiến hành các chiến dịch, sự kiện và dự án quan trọng một cách thuận lợi.

Khả năng giải quyết vấn đề

Các chuyên gia PR sẽ phải sử dụng kỹ năng giải quyết vấn đề để xử lý tốt các công việc như đánh giá hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo, theo dõi và duy trì dư luận trên mạng xã hội, phân tích phản hồi của công chúng và chuyển đổi chúng thành các chiến lược PR mới, nghiên cứu các chiến thuật để cải thiện hoạt động PR…

Kỹ năng viết

Đây cũng là tố chất quan trọng mà một nhân viên PR nên trau dồi cho bản thân bởi hầu như công việc hằng ngày sẽ bao gồm việc viết thông cáo báo chí, bài phát biểu, viết trên nền tảng mạng xã hội. Lối viết sáng tạo, giọng văn phong phú, ấn tượng và khả năng biên tập sẽ là một điểm cộng lớn ở vị trí này đấy.

Phân biệt PR và Quảng cáo

Hiện nay, có khá nhiều bạn trẻ nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Ngành học Marketing sẽ bao gồm 2 ngành là PR và Quảng cáo. PR và Quảng cáo là hai công cụ quan trọng giúp công ty quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình từ đó giúp tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây nằm ở Quảng cáo chỉ hình thức truyền thông được sử dụng để lôi kéo khách hàng tiềm năng chọn sản phẩm của công ty cung cấp thay vì các sản phẩm khác trên thị trường, ngoài ra còn để tăng sự hiện diện của sản phẩm từ đó để lại dấu ấn tâm trí khách hàng. Mặt khác, PR hay còn gọi là quan hệ công chúng là xây dựng và duy trì mối quan hệ giữa công ty, một cá nhân với báo chí, giới truyền thông, đồng thời xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt công chúng.

Hy vọng bài viết trên giúp bạn hiểu rõ hơn PR là gì, vì sao PR lại quan trọng và tầm quan trọng của PR với các cá nhân, doanh nghiệp. Đây hiện là một ngành nghề được đánh giá cao hiện nay và có tiềm năng phát triển hơn nữa trong tương lai.